NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM CỦA CÚM VÀ CÁC BIỆN PHÁP CHỦ ĐỘNG PHÒNG NGỪA

Bệnh cúm thường có biểu hiện nhẹ nên nhiều người có tâm lý chủ quan, tự chữa tại nhà. Tuy nhiên, nếu điều trị không đúng hoặc điều trị quá muộn có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, suy hô hấp, thậm chí tử vong.

Cúm là một loại bệnh viêm đường hô hấp, bao gồm đường hô hấp trên (mũi, họng) và đường hô hấp dưới (khí phế quản, phổi) do một loại virus tên là Influenza gây ra.

Bệnh thường xuất hiện nhiều ở các thời điểm giao mùa hoặc khi thay đổi thời tiết với các triệu chứng dễ nhận biết như sốt cao, đau mỏi toàn thân, đau đầu, ngạt mũi, viêm đường hô hấp trên (chảy nước mũi, nước mắt, ngạt mũi, hắt hơi, ho nhiều, đau họng…).

Bệnh cúm dễ lây truyền trong cộng đồng do hít phải hoặc tiếp xúc với dịch tiết đường hô hấp, đờm rãi có chứa virus từ người bệnh bay ra ngoài không khí khi ho khạc với thời gian ủ bệnh (từ khi nhiễm virus cho đến khi các triệu chứng xuất hiện) khoảng 48 giờ.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Phó chủ tịch Hội Hô hấp Tp.HCM, Trưởng khoa hô hấp Bệnh viện Nhi đồng 1 phân tích, khoảng 10% dân số thế giới (500-800 triệu người) mắc cúm mỗi năm. Trong suốt mùa cúm, có đến 40% trẻ nhỏ và 30% học sinh nhiễm bệnh.

Đa số các ca nhiễm cúm ở thể nhẹ, tự khỏi mà không cần điều trị. Tuy nhiên, một số trường hợp bị cúm không được điều trị đúng cách hoặc quá muộn dẫn đến biến chứng gây nguy hiểm cho tính mạng.

Các biến chứng của bệnh cúm

Biến chứng đầu tiên hay gặp do cúm đó là biến chứng ở phổi, đặc biệt bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Viêm phổi nặng do cúm chiếm khoảng 18% trong tổng số các biến chứng ở phổi và thường gặp ở những người trung niên có bệnh tim trước đó. Đây là một biến chứng với các biểu hiện suy hô hấp và tổn thương nặng nề ở phổi trên phim chụp XQ hoặc chụp cắt lớp vi tính ngực.

Tỷ lệ tử vong ở thể này có thể lên tới 80% cho dù đã được điều trị tích cực. Viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn như phế cầu, tụ cầu, H. Influenzae, vi khuẩn gram âm… xuất hiện sau 4-14 ngày nhiễm cúm.

Bệnh nhân tiếp tục sốt cao, đau ngực, ho khạc đờm vàng, biểu hiện nhiễm khuẩn rõ, chụp XQ, chụp cắt lớp ngực thấy có tổn thương phổi khối. Bệnh nhân bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đang ổn định có thể bị bùng phát đợt cấp sau nhiễm cúm.

Các triệu chứng chủ yếu là suy hô hấp tăng dần, không đáp ứng với liệu pháp oxy và các biện pháp điều trị hỗ trợ khác khiến bệnh nhân phải nhập viện.

Trẻ em hay bị viêm xoang, viêm tai giữa do nhiễm khuẩn thứ phát khi bị cúm hơn so với người lớn. Sau 4-6 ngày khởi phát các triệu chứng cúm, trẻ kêu đau tai, chảy dịch, chảy mủ tai; ho khạc đờm, dịch mũi màu vàng, hôi; đau vùng xoang và ngạt mũi kéo dài.

Các biến chứng về thần kinh do cúm cũng đã được mô tả trong y văn như viêm não, viêm màng não, viêm tủy cắt ngang và hội chứng Guillain – Barré.

Nguyên nhân của tổn thương thần kinh hiện được cho là trực tiếp do virut cúm và một phần do phức hợp kháng nguyên kháng thể. Tổn thương thần kinh trong cúm được xác định bằng triệu chứng lâm sàng, chọc dịch não tủy và chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ cột sống.

Ngoài ra, bệnh cúm có thể gây viêm cơ tim, viêm màng ngoài tim, làm suy tim nặng thêm…

Phòng ngừa bệnh cúm

Trước tình hình dịch cúm trên thế giới và trong nước có nhiều diễn biến phức tạp, mới đây Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác phòng chống bệnh cúm

– Để chủ động phòng bệnh cúm, không để lan rộng kéo dài, quá tải bệnh viện cũng như tình trạng lây chéo trong bệnh viện, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố khẩn trương đẩy mạnh việc tuyên truyền các biện pháp phòng bệnh cúm, phát hiện sớm, cách ly, điều trị tại nhà, đến cơ sở y tế khi có diễn biến nặng.

– Người dân cần hạn chế đến chỗ đông người khi có dịch để phòng lây lan, khi phải tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang, tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng khi ho, nâng cao thể trạng để phòng bệnh. Đặc biệt chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm.

                    Cần sử dụng khẩu trang y tế để chủ động phòng tránh các tác nhân gây hại từ môi trường.

– Các biện pháp dự phòng bao gồm giữ sức khỏe, ăn mặc ấm khi trời chuyển lạnh.

– Rửa sạch tay bằng xà phòng và các dụng cụ sau khi tiếp xúc với người bị cúm.

Theo dkn.tv