CÁC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP THƯỜNG GẶP VÀ CÁC ĐIỀU TRỊ

Mỗi năm trên thế giới có khoảng 3,7 triệu người tử vong vì bệnh hô hấp. Ở trẻ em, chỉ tính riêng bệnh viêm phổi cũng đã có khoảng 4,3 nghìn trẻ tử vong mỗi ngày. Với diễn biến ngày càng xấu đi của môi trường sống, con số thương tâm này chắc chắn sẽ còn tăng cao nếu như chúng ta không chủ động điều trị, phòng ngừa.

Bệnh hô hấp là gì?

Hô hấp được coi là đặc trưng của sinh vật sống. Ở người, hệ hô hấp bao gồm đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới.

– Đường hô hấp trên: Gồm mũi, hầu và thanh quản.

– Đường hô hấp dưới: Khí quản, cây phế quản, phế nang và màng phổi.

Các bộ phận của hệ hô hấp kết hợp với hoạt động của lồng ngực, cơ liên sườn, cơ ức đòn chũm, cơ hoành và cơ ngực giúp con người có thể hít vào thở ra, trao đổi khí, hấp thụ oxi và thải cacbonic. Đây chính là quá trình hô hấp.

Bệnh hô hấp là khái niệm dùng để chỉ tất cả các vấn đề liên quan đến hệ hô hấp. Bệnh có thể nặng, nhẹ tùy theo từng loại và cấp độ, trong đó nặng nhất là tử vong.

Ở Việt Nam, điều kiện khí hậu nhiệt đới gió mùa với thời gian nắng nóng kéo dài trong năm, mưa nhiều, môi trường nhiều khói bụi là điều kiện lý tưởng cho bệnh hô hấp phát triển. Đặc biệt với tỷ lệ 47% nam giới hút thuốc, các vấn đề về đường hô hấp lại càng trở nên trầm trọng.

Tìm hiểu về các bệnh hô hấp thường gặp là việc làm cần thiết với tất cả mọi người ở mọi lứa tuổi.

Dưới đây là một số bệnh hô hấp thường gặp nhất và cách điều trị để bạn đọc có thể tham khảo:

  1. Viêm phế quản cấp

Viêm phế quản cấp là khái niệm dùng để chỉ tình trạng viêm nhiễm cấp tính của niêm mạc phế quản. Đây là một trong những bệnh về đường hô hấp thường gặp nhất hiện nay.

Tác nhân gây bệnh

  • Chủ yếu do virus, vi khuẩn.
  • Một số ít do dùng kháng sinh không phù hợp.
  • Một số nguyên nhân khác: Khói thuốc lá, khí độc nơi làm việc, khí độc chiến tranh. Người bị hen, mề đay, phù Quink dễ bị viêm phế quản cấp hơn người bình thường.
  • Các yếu tố thuận lợi cho bệnh hình thành: Cơ thể người bệnh gầy yếu, sống trong môi trường ẩm thấp, thời tiết thay đổi đột ngột…

Dấu hiệu điển hình

  • Bệnh khởi phát bằng triệu chứng ho khan, sau đó ho có đờm màu xanh, trắng đục hoặc vàng.
  • Cảm giác khó thở xảy ra ở số ít người bệnh.
  • Triệu chứng tự khỏi sau khi kéo dài dưới 1 tuần, hoặc kéo dài đến 20 ngày đòi hỏi phải can thiệp điều trị.

Hướng khắc phục

  • Một số ít trường hợp không điều trị vẫn có thể tự khỏi.
  • Không khuyến khích dùng thuốc long đờm, giảm ho.
  • Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước.
  • Bác sĩ chỉ định dùng kháng sinh trong các trường hợp: Người bệnh đã trên 65 tuổi, ho kéo dài, ho có đờm, người bệnh có sẵn một số bệnh về tim, phổi, đái tháo đường…

2. Viêm phổi

Viêm phổi là tình trạng tổn thương các tổ chức phổi, thường gặp nhiều ở người có cơ địa xấu. Bệnh được chia thành hai loại chính là viêm phổi thùy và phế quản phế viêm.

Tác nhân gây bệnh

  • Chủ yếu do vi khuẩn, virus, nấm và kí sinh trùng.
  • Nguyên nhân khác: Hóa chất, tắc phế quản..
  • Các yếu tố thuận lợi cho bệnh hình thành: Thời tiết thay đổi đột ngột, người già và trẻ em có sức khỏe yếu, người nghiện rượu, hút thuốc, người mắc phải một số bệnh khác.

Dấu hiệu điển hình

– Bệnh viêm phổi thùy

  • Khởi phát bằng một cơn sốt cao với biểu hiện rét run.
  • Khó thở, đau ngực, môi tím, vã mồ hôi, co giật gặp ở một số người cơ địa yếu (người già, trẻ em, người nghiện rượu).
  • Ho khan, sau đó ho có đờm.

– Phế quản phế viêm

  • Khởi phát bằng triệu chứng sốt kèm theo khó thở.
  • Người bệnh không được điều trị có dấu hiệu nặng hơn với những cơn lơ mơ, mê sảng.
  • Bệnh có thể gây suy hô hấp, nhiễm trùng huyết rồi dẫn đến tử vong.

Hướng khắc phục

Là một trong những bệnh hô hấp nguy hiểm, viêm phổi đòi hỏi phải được điều trị càng sớm càng tốt.

  • Cho người bệnh nghỉ ngơi, ăn uống bằng thức ăn lỏng, dễ tiêu.
  • Bù điện giải và nước.
  • Dùng thuốc hạ sốt, thuốc kháng sinh theo chỉ định của bác sĩ.

3. Hen phế quản

Hen phế quản gặp nhiều hơn ở trẻ em, là khái niệm chỉ bệnh lý viêm mạn tính của phế quản dưới sự tham gia của nhiều tế bào và thành phần tế bào.

Tác nhân gây bệnh

– Hen phế quản do dị dứng

  • Bụi bẩn từ môi trường sống và làm việc, lông động vật.
  • Vi khuẩn, virus, nấm (ít gặp).

– Hen phế quản không do dị ứng

  • Yếu tố di truyền ảnh hưởng đáng kể đến khả năng mắc bệnh.
  • Trong công việc người bệnh thường xuyên phải lao động gắng sức.
  • Thời tiết lạnh, thay đổi đột ngột.

Dấu hiệu điển hình

  • Các cơn hen khởi phát vào ban đêm hoặc sáng sớm đi kèm hắt hơi, ngứa mũi, sổ mũi.
  • Triệu chứng khó thở, tím chân tay, thở rít kéo dài từ vài phút đến vài giờ.
  • Người bệnh ho khạc đờm đặc, nhiều hạt nhỏ.

Hướng khắc phục

  • Sử dụng thuốc điều trị theo từng bậc.
  • Điều trị hỗ trợ bằng thở oxy 2l/phút.
  • Kết hợp thuốc giãn phế quản và kháng sinh theo chỉ định khi cần.

4. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD

Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính – COPD là nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4 trên thế giới (chỉ sau bệnh mạch vành, ung thư và tai biến mạch máu não). COPD đặc trưng bởi sự giới hạn lưu lượng khí, bao gồm viêm phế quản mạn, khí phế thũng và hen phế quản không hồi phục.

Tác nhân gây bệnh

  • Hút thuốc lá: Có 15 – 20% người hút thuốc mắc COPD. Người hút thuốc lá thụ động cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh.
  • Chất độc từ môi trường sống, học tập, làm việc.
  • Nhiễm trùng hô hấp thời thiếu niên làm tăng nguy cơ mắc COPD khi trưởng thành.
  • Yếu tố gen di truyền, điển hình là thiếu hụt α1 antitrypsine.

Dấu hiệu điển hình

  • Ho là triệu chứng đầu tiên, chủ yếu xảy ra vào ban ngày, tần suất ho ngày càng nhiều lên theo thời gian.
  • Đờm xuất hiện sau khi ho.
  • Khó thở xảy ra từ từ, sau đó kéo dài dai dẳng, nghiêm trọng hơn khi người bệnh leo cầu thang, đi bộ, xách đồ đạc. Khi bệnh đã nặng, khó thở phổ biến hơn và không chấm dứt ngay cả khi được nghỉ ngơi.

Khó thở cũng là triệu chứng điển hình nhất của COPD.

Hướng khắc phục

Là một bệnh về đường hô hấp không thể chữa khỏi dù dùng bất cứ biện pháp nào, tuy nhiên các biện pháp điều trị COPD vẫn phải thực hiện từ sớm để hạn chế biến chứng xấu cho người bệnh.

  • Nếu người bệnh hút thuốc, buộc phải ngừng càng sớm càng tốt.
  • Sử dụng thuốc để điều trị: Thuốc thay thế nicotine, thuốc chống trầm cảm…
  • Không dùng thuốc giảm ho, tiêu đờm.
  • Bệnh nhân COPD giai đoạn nặng cần điều trị hỗ trợ bằng oxy liệu pháp.

Có phải tất cả bệnh hô hấp đều lây qua đường hô hấp?

Bệnh lây qua đường hô hấp là khái niệm dùng để chỉ những bệnh có khả năng lây nhiễm từ người sang người qua tiếp xúc thông thường. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh về đường hô hấp đều lây qua đường hô hấp. Chỉ những bệnh có nguyên nhân từ vi khuẩn, virus mới có khả năng lây nhiễm.

Qua đó, các bệnh dễ lây từ người này sang người khác là viêm phế quản cấp, viêm phổi, tràn dịch màng phổi do viêm phổi, lao phổi. Vì vậy, cần hết sức cẩn thận khi chăm sóc, tiếp xúc với người bệnh để tránh tình trạng bệnh bùng phát thành dịch.

Biện pháp phòng ngừa các bệnh hô hấp

Để bảo vệ hệ hô hấp và toàn bộ cơ thể, hãy tránh xa thuốc lá

– Từ bỏ hút thuốc, tránh xa khói thuốc là biện pháp cần thiết để hạn chế khả năng mắc bệnh.

– Ăn uống đủ chất, uống nhiều nước để tăng sức đề kháng. Hạn chế các thực phẩm kém lành mạnh, điển hình là rượu bia.

– Giữ vệ sinh thân thể và làm sạch môi trường sống.

– Chú ý giữ ấm cơ thể khi trời lạnh.

–  Sử dụng khẩu trang, găng tay và cẩn trọng hết sức khi tiếp xúc với người bệnh.

– Đi khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần và đến gặp bác sĩ khi thấy cơ thể có những dấu hiệu lạ.

Như vậy, hầu hết các bệnh hô hấp đều cần có sự can thiệp của bác sĩ mà không thể tự điều trị tại nhà. Với số người mắc bệnh ngày một tăng, bệnh về đường hô hấp hứa hẹn sẽ trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Bên cạnh việc bảo vệ bản thân khỏi các tác nhân gây bệnh thì bảo vệ môi trường, bảo vệ Trái đất cũng vô cùng quan trọng.


Theo: thongkhikhang