PHÒNG CÚM KHÔNG CẦN KHÁNG SINH

Ngay khi cơ thể bắt đầu có những triệu chứng của cảm cúm, bạn hoàn toàn có thể đánh bật căn bệnh bằng những liệu pháp đơn giản tại nhà mà không cần phải dùng kháng sinh.

 

Theo bác sĩ Nguyễn Thái Sơn (khoa Tai Mũi Họng – Bệnh viện 175), bệnh cảm cúm thông thường là một nhiễm virus của đường hô hấp bao gồm các cơ quan mũi, xoang, họng, thanh phế quản và phổi. Nghẹt mũi và chảy nước mũi thường là những dấu hiệu đầu tiên của cảm cúm.

Đối với những người bình thường có hệ miễn dịch tốt thì bệnh cảm cúm chỉ kéo dài trong vòng 7- 10 ngày, nhưng nếu bị bội nhiễm vi khuẩn hoặc những người có hệ miễn dịch yếu, bệnh sẽ kéo dài hơn và tình trạng bệnh sẽ nặng hơn.

Khi đó, kháng sinh là loại thuốc thường được các bác sĩ sử dụng cho những bệnh nhân này nhằm ngăn chặn và loại bỏ tác hại của vi khuẩn lên cơ thể, từ đó hỗ trợ hệ miễn dịch chống lại các tác hại của virus. Vì vậy, sử dụng kháng sinh đúng sẽ hỗ trợ điều trị bệnh hiệu quả hơn và làm thời gian khỏi bệnh nhanh hơn. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh sẽ gây hại cho cơ thể nếu bạn lạm dụng quá mức hoặc tự ý đi mua mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

 
Vì sao bạn không nên lạm dụng kháng sinh?

Kháng sinh không phải là thuốc vô hại mà có thể gây ra những tác dụng phụ không mong muốn ảnh hưởng đến sức khỏe con người thậm chí là tử vong. Do đó chúng ta chỉ sử dụng kháng sinh khi có bằng chứng nhiễm khuẩn và được bác sĩ chỉ định. Chúng ta không dùng kháng sinh cho các trường hợp cảm cúm thông thường do nhiễm virus. Đặc biệt, phụ nữ có thai cũng phải hạn chế dùng kháng sinh để tránh gây dị tật thai nhi, điều mà không người mẹ nào mong muốn.

Một điều quan trọng nữa mà giới y tế ngày nay đang phải đối mặt là sự xuất hiện ngày càng nhiều những siêu vi khuẩn kháng thuốc, hay đề kháng với các loại kháng sinh. Đây là tình trạng bi đát nhất cho bất kì bệnh nhân nào mắc phải mà có nguyên nhân từ tình trạng lạm dụng kháng sinh và sử dụng kháng sinh không đúng cách hiện nay.

Do đó cách tốt nhất cho chúng ta phải bằng mọi cách phòng bệnh và ngăn chặn tình trạng bệnh nặng nhằm tránh dùng kháng sinh, loại thuốc vừa có nhiều tác hại vừa tốn kém. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhất là trong thời điểm giao mùa chuyển sang mùa lạnh, bạn lại càng có nguy cơ mắc bệnh cảm cúm cao hơn bình thường.

Cách phòng bệnh cảm cúm tại nhà

Muốn phòng bệnh cảm cúm trước hết ta phải có một cơ thể khỏe mạnh hay nói cách khác là cơ thể có được hệ miễn dịch tốt. Muốn đạt được điều này chúng ta nên thực hiện một số biện pháp đơn giản sau:

Ăn uống và bồi bổ đầy đủ vitamin: Đặc biệt là chúng ta cần hấp thu vitamin C từ các loại nước ép trái cây để tăng cường hệ thống miễn dịch cho cơ thể. Trong mùa mưa hoặc mùa lạnh, hãy bắt đầu mỗi ngày bằng cách chế biến nước ép trái cây bổ dưỡng tại nhà. Bạn có thể sử dụng cải xoăn, bông cải xanh, táo, rau mùi tây, dưa chuột, cà rốt, cải cầu vồng Thụy Sỹ, chanh và bạc hà.

Ngủ đủ giấc: Khi bị cảm cúm, bạn nên tìm một nơi phù hợp để nghỉ ngơi thay vì gắng gượng đi làm hoặc tụ tập vận động. Nghiên cứu chỉ ra rằng cơ thể chúng ta cần từ 7 – 8 giờ để kích thích phản ứng miễn dịch tự nhiên, giấc ngủ là biện pháp phòng ngừa đáng tin cậy nhất chống lại nhiễm trùng.

Vận động thường xuyên: Khi bạn duy trì thói quen tập thể dục, cơ thể bạn không những khỏe hơn mà còn giúp lưu thông khí huyết ngăn ngừa nhiều bệnh bao gồm cả cảm cúm. Hãy làm cho cơ thể đổ mồ hôi để thải độc bằng các bài tập chạy, cầu lông, nhảy dance sport… Những ngày cảm thấy hơi mệt mỏi thì bạn có thể thực hiện các động tác yoga nhẹ nhàng.

Tránh tiếp xúc với vi khuẩn: Đây là biện pháp quan trọng nhằm tránh lây lan bệnh. Bạn nên tập thói quen rửa tay thật sạch, vệ sinh dụng cụ trang điểm và các đồ dùng hay sử dụng trong nhà, đồ chơi của trẻ. Đặc biệt, bạn cần tránh dùng chung đồ vệ sinh cá nhân với người khác hay động chạm vào những đồ dùng công cộng. Nếu đi đến chỗ đông người, hãy luôn nhớ mang theo khẩu trang.

Làm sạch mũi hàng ngày: Vệ sinh mũi thường xuyên giúp loại bỏ chất bụi bẩn, Vi khuẩn cũng như chất dị ứng, không cho chúng tiếp xúc với niêm mạc mũi họng. Bạn có thể sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc từ nước biển sâu để thay thế các liệu pháp phòng ngừa và điều trị viêm mũi.

Bác sĩ Nguyễn Thái Sơn nhấn mạnh cảm cúm thông thường là một nhiễm trùng đường hô hấp trên gây ra bởi virus. Khi virus xâm nhập niêm mạc đường hô hấp (mũi, xoang, họng,..) chúng sẽ gây phù nề niêm mạc, xuất tiết gây chảy dịch, từ đó tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn tấn công cơ thể. Do đó, liệu pháp quan trọng nhất giúp bạn phòng bệnh cảm cúm là chăm sóc và bảo vệ niêm mạc mũi họng. Khi niêm mạc mũi họng được giữ sạch, cơ thể sẽ tự hồi phục và chúng ta không cần thiết phải sử dụng kháng sinh. Nếu bạn điều trị cảm cúm không đúng cách, bệnh sẽ nặng và nhiễm vi khuẩn kèm theo. Ngược lại bệnh sẽ tự khỏi nếu ta phòng và điều trị đúng. Điều cần thiết ở đây là chăm sóc và phòng bệnh đúng cách bằng cách vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng thuốc xịt mũi hoặc nước rửa mũi. Không dùng kháng sinh điều trị bệnh nếu không có chỉ định bác sĩ, hoặc tự dùng thuốc cũ cho bệnh nhân mới nhằm tránh tai biến và tác hại của thuốc kháng sinh.

(Theo dantri.com)