Thống kê từ Tổ chức Y tế Thế giới cho thấy, có khoảng 1/8 tổng số ca tử vong trên toàn cầu mỗi năm (khoảng 7 triệu người) là do bị nhiễm các bệnh có liên quan đến không khí và môi trường sống.
Trong khoảng 10 năm trở lại đây, tình hình ô nhiễm khói bụi ngày càng trở nên trầm trọng do sự phát triển của các ngành công nghiệp sản xuất và công nghiệp chế biến. Theo nguồn tin từ hãng AFP, hiện nay toàn cầu cứ 8 người chết thì sẽ có 1 người là do tình trạng ô nhiễm không khí gây ra. Đây thực sự là một vấn đề đáng báo động mà tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã từng lên tiếng cảnh báo.
Tình trạng ô nhiễm không khí mang đến rất nhiều rủi ro về bệnh tật và tử vong cho người dân. Ước tính năm 2013, Việt Nam có khoảng 40.000 người tử vong có nguyên nhân liên quan đến ô nhiễm không khí. Gây nên thiệt hại về người cũng như thiệt hại về kinh tế, xét ở góc độ kinh tế cá nhân. Nếu tính tổng số người chết do ô nhiễm không khí (năm 2013) rồi quy ra con số thiệt hại về kinh tế thì tương đương với 5 – 7% GDP cả nước.
Thủ đô Hà Nội ô nhiễm không khí nhất Châu Á
Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã công bố báo cáo hiện tượng môi trường quốc gia về không khí. Điều đáng lưu ý nhất trong báo cáo là không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng đang có xu hướng bị ô nhiễm, tăng đáng kể nồng độ khí ôzôn, loại khí gây ra nhiều bệnh về hô hấp.
Tại các đô thị này, nếu đo nồng độ khói bụi tại các nút giao thông và công trình xây dựng thì kết quả đều vượt tiêu chuẩn cho phép từ 5 – 6 lần. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất là Hà Nội đang đứng trong danh sách những thủ đô bị ô nhiễm không khí nhiều nhất khu vực Đông Nam Á và châu Á.
Cụ thể, theo số liệu của Trung tâm Quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường Việt Nam, nồng độ bụi tại nhiều nút giao thông như Kim Liên – Giải Phóng, Phùng Hưng – Hà Đông (Hà Nội), những khu vực đông dân cư thường cao hơn mức cho phép, có lúc cao gấp 7 lần.
Một cuộc nghiên cứu gần đây cho thấy, trên địa bàn thành phố Hà Nội có đến 72% hộ gia đình bị mắc các bệnh do ô nhiễm không khí (liên quan đến hô hấp), trong đó quận Hoàng Mai chiếm tỷ lệ cao nhất, 91,4% và thấp nhất là quận Tây Hồ với 55%.
Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất
Chỉ trong năm 2012 thế giới có 7 triệu trường hợp tử vong do các bệnh liên qua đến ô nhiễm môi trường, chủ yếu là các bệnh về phổi và tim mạch do không khí bị ô nhiễm. Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho biết, mỗi năm có đến 2 triệu trẻ em tử vong vì các bệnh bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp, trong đó 60% là do ô nhiễm không khí.
Ngoài ra, trong một báo cáo khác, WHO cũng đưa ra dự tính mỗi năm có khoảng 3-5% trẻ em trên toàn thế giới sinh ra bị khuyết tật bẩm sinh, mà nguyên nhân chính là do ô nhiễm môi trường.
Tại Việt Nam, tỉ lệ trẻ em bị các bệnh liên quan đến ô nhiễm môi trường gia tăng mạnh trong khoảng 20 năm trở lại đây. Chỉ tính riêng tại Bệnh viện Nhi đồng 1 ở TP. HCM, so sánh số liệu trong 10 năm (1996 và 2005) cho thấy, số trẻ em phải nhập viện điều trị bệnh hen suyễn tăng từ 3.047 trường hợp lên đến 11.491 trường hợp, viêm tai giữa tăng từ 441 lên 1.999 ca, nhiễm khuẩn hô hấp dưới tăng từ 2.727 trường hợp lên 3.772 trường hợp.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, ô nhiễm môi trường có liên quan trực tiếp đến sự gia tăng bệnh tiểu đường tuýp 2 ở trẻ nhỏ. Để đi đến kết luận này, các nhà khoa học đã phải tiến hành xét nghiệm mẫu máu của 378 trẻ nhỏ 10 tuổi, từ đó phát hiện ra những trẻ sống trong khu vực không khí bị ô nhiễm có nồng độ insulin cao hơn hẳn so với trẻ nhỏ sống ở khu vực ít bị ô nhiễm.
Tác hại của ô nhiễm không khí đối với sức khỏe con người
Biểu hiện ảnh hưởng tới sức khỏe thường thấy do ô nhiễm không khí là: dị ứng, đau mắt, ho, khó thở……phụ thuộc vào mật độ ô nhiễm và thời tiếp xúc với các chất ô nhiễm trong không khí mà gây triệu chứng khác nhau.
Trẻ nhỏ do sức đề kháng yếu và đang trong giai đoạn phát triển vì vậy là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng trong thời gian gần đây tỷ lệ trẻ em mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao nhất là các bệnh viêm mũi dị ứng, hen suyễn, viêm phổi, nhiễm khuẩn hô hấp….
Các cơ quan nghiên cứu trên TG cũng chỉ ra rằng 1 chất thì không thể gây ung thư nhưng nếu nhiều chất ô nhiễm không khí xâm nhập vào cơ thể một thời gian dài sẽ là tác nhân gây các bệnh ung thư cho con người, ung thư phổi là căn bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất do ô nhiễm không khí gây ra.
Đối phó ô nhiễm không khí như thế nào?
Về điều này, PGS Nguyễn Hoài Nam – Phó chủ tịch Hội Phẫu thuật Lồng ngực và Tim mạch TP Hồ Chí Minh khuyến cáo, chúng ta có thể góp phần vào việc giảm ô nhiễm không khí bằng cách thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng, có ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống, trồng nhiều cây xanh. Tuy nhiên, để giải quyết tình trạng ô nhiễm cần một giải pháp đồng bộ của các cơ quan hữu quan.
Còn người dân sống trong môi trường ô nhiễm như vậy, cần giữ nguyên tắc:
– Đeo khẩu trang hoạt tính, kính chắn bụi mỗi khi ra đường.
– Sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ mắt, vệ sinh mũi sau khi đi ra ngoài.
– Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, trước khi đi ngủ và khi tiếp xúc với bộ phận khác trên cơ thể.
– Khi về nhà, cần thay quần áo và tắm gội ngay.
– Không ăn uống lề đường, chọn thực phẩm sạch, không bị nhiễm bẩn.