Bệnh viêm đường hô hấp nếu không được điều trị hoặc điều trị không dứt điểm rất dễ chuyển thành mạn tính. Do đó việc phòng ngừa căn bệnh này là rất cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho tất cả mọi người trong gia đình.
Bệnh thường xảy ra trong giai đoạn giao mùa, thời tiết thay đổi thất thường, lại thêm không khí lạnh và ẩm là điều kiện thuận lợi gây ra các bệnh viêm đường hô hấp.
Viêm đường hô hấp trên đa phần là những bệnh tự khỏi, chỉ sau 5-6 ngày là bệnh đã bắt đầu lui dần tiến tới khỏi sau 2 tuần. Tuy nhiên bệnh có thể nặng lên ở những đối tượng mẫn cảm như trẻ em dưới 1 tuổi, người già, người bị suy giảm miễn dịch và gây nhiều biến thể nghiêm trọng.
Một trong các biến thể nghiêm trọng ấy là tử vong do đồng nhiễm với bệnh đường hô hấp dưới và chúng tự làm nặng lẫn nhau. Biến thể cũng hay gặp đó là biến chứng viêm đường hô hấp dưới nếu viêm đường hô hấp trên không được xử trí đúng đắn và đúng mức. Do đó, với một bệnh hết sức thông thường như cảm lạnh trong mùa đông thì có thể đưa đến viêm phổi, nhất là ở trẻ em.
Khởi đầu: ho, khạc đờm, sổ mũi, nóng sốt
Ho, khạc đờm, sổ mũi, nóng sốt là bốn triệu chứng điển hình của bệnh đường hô hấp. Bệnh đường hô hấp gồm các bệnh về đường hô hấp trên và đường hô hấp dưới. Những bệnh đường hô hấp trên như: sổ mũi, ngạt mũi, chảy nước mũi, viêm họng cấp, viêm xoang là những bệnh nhẹ, việc điều trị đơn giản.
Tuy nhiên, nếu không điều trị đúng thuốc, đúng thời gian cần thiết bệnh sẽ chuyển sang những biến chứng nguy hiểm mà hậu quả không thể nói trước được, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Hai bệnh đường hô hấp chiếm tỷ lệ nhiều nhất vào mùa lạnh là hen và dị ứng tái phát. Những bệnh đường hô hấp dưới như: viêm phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do viêm phế quản, viêm phổi, cảm cúm… cũng thường trở dậy và hoành hành người bệnh vào mùa lạnh.
Bệnh tiến triển nặng khi người bệnh tự làm bác sĩ
Bệnh về đường hô hấp trên thường xảy ra vào mùa lạnh. Tuy nhiên, việc mắc bệnh hay không là còn tùy thuộc vào khả năng đề kháng của cơ thể. Trung bình, khi virus xâm nhập vào cơ thể thì khoảng từ 7-14 ngày sau sẽ phát bệnh. Vì vậy, thời gian điều trị cũng thường kéo dài như vậy. Tuy nhiên, qua thực tế điều trị cho thấy, mọi người chưa nhận thức đúng nên chưa có thái độ đúng đắn và nghiêm túc trong việc điều trị các bệnh đường hô hấp trên. Một số người, kể cả những người có học vấn cao, cũng có những thái độ sai lầm khi điều trị.
– Tự ý mua thuốc uống: Họ thường ra nhà thuốc tự khai bệnh và mua, nhưng đa số là nhờ người khác mua giùm. Trong trường hợp này, những người bán thuốc dù không xác định bệnh nhân bệnh gì, tình trạng, thể trạng người bệnh ra sao chỉ nghe khai triệu chứng là bán. Họ thường bán nhiều loại kháng sinh liều cao với mục đích giúp bệnh nhân chặn đứng ngay cơn bệnh.
Có người chỉ bị ho dị ứng nhưng lại được bán một lúc 5 loại kháng sinh mạnh. Điều này rất nguy hiểm vì uống kháng sinh không đúng chỉ định dễ làm đau dạ dày, sốc phản vệ, bị dị ứng, buồn nôn…
–Uống thuốc ngắn hơn thời gian chỉ định: Trong điều trị quy định, uống kháng sinh phải uống đủ liều mới có kết quả. Thông thường bác sĩ chỉ định uống thuốc từ 5-7 ngày. Bệnh nhân uống mới 2-3 ngày thấy đã hết triệu chứng liền ngưng thuốc. Điều này rất nguy hiểm vì dễ làm virus lờn thuốc, bệnh dễ tái phát. Khi ấy, bệnh nhân lại phải bắt đầu điều trị từ đầu.
– Xin toa thuốc của người khác: Mọi người vẫn còn thói quen “xin toa thuốc” của nhau. Người này bị viêm họng đi khám được cho toa thuốc uống hết. Có người quen cũng bị ho bèn lấy toa thuốc cũ ra cho. Người kia dù chưa biết chính xác nguyên nhân cũng mang toa được cho đi mua. Điều này rất nguy hiểm vì mỗi loại thuốc thường có chống chỉ định. Nếu không biết rõ bệnh gì, sẽ chống chỉ định với ai mà uống bừa bãi sẽ gây hậu quả khôn lường. Nếu may mắn không xảy ra chuyện gì thì việc mượn toa thuốc của người khác mua uống cũng giống như “uống thuốc đau bụng lại mong cho hết đau đầu” vậy.
Để cơ thể khỏe mạnh “trên từng cây số”
– Nâng cao sức đề kháng bằng cách tiêm phòng (chích ngừa) cúm hằng năm. Nhất là trẻ em và người trên 65 tuổi, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường thở.
– Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng.
– Vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng. Nếu có các bệnh, các ổ nhiễm trùng răng miệng nên chữa trị tận gốc để ngăn ngừa vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Răng miệng rất gần các cơ quan hô hấp.
– Tập thể dục thường xuyên.Việc luyện tập giúp cơ thể ấm lên, hoạt động giúp cơ thể tỏa nhiệt và nâng cao sức đề kháng.
– Không để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm lạnh lâu.
– Giữ ấm đúng cách. Trong nhà, nên giữ nhiệt độ vừa phải. Tránh dùng các kiểu lò sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than trong phòng kín vì có thể gây ngộ độc khí CO2.
-Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện khác thường như: ho, sổ mũi, sốt, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
-Khi điều trị nên uống thuốc đúng thời gian được chỉ định để bảo đảm bệnh được trị triệt để.
-Loại bỏ những thói quen xấu có hại như: ngâm mình trong nước lạnh quá lâu, ăn mặc phong phanh khi ra đường, hút thuốc, uống rượu.
-Sử dụng khẩu trang y tế để phòng tránh các khói xe, bụi bẩn, hóa chất độc hại để tránh ảnh hưởng tới đường hô hấp.