CÚM A (H1N1) – CŨNG CÓ THỂ DẪN ĐẾN TỬ VONG
Virus cúm A(H1N1) là một chủng virus cúm A (các chủng virus H1N1, H5N1 và H7N9) và là nguyên nhân của hầu hết bệnh cúm trên người. Bệnh lây truyền từ người sang người theo đường hô hấp, qua các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng khi người bệnh ho, hắt hơi, hoặc lây qua tiếp xúc với một số đồ vật có chứa virus rồi qua bàn tay đưa lên mắt, mũi, miệng.
Người mang vi rút cúm A có khả năng truyền virus cho những người xung quanh trong thời gian 1 ngày trước tới 7 ngày sau, kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Bệnh lây lan càng mạnh, càng nhanh khi có sự tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, đặc biệt ở nơi tập trung đông người như trường học, nhà trẻ…
Nguyên nhân gây bệnh cúm H1N1
Như đã đề cập ở phần trên, bệnh cúm H1N1 lây lan qua đường hô hấp. Hơn nữa, do khả năng tồn tại ở môi trường bên ngoài của loại virus này rất cao nên tốc độ lây truyền của cúm H1N1 là vô cùng mạnh mẽ. Virus cúm H1N1 trong điều kiện bình thường có khả sống từ 24 tới 28 tiếng, trong môi trường nước có thể lên tới 4 ngày ở nhiệt độ phòng và 30 ngày ở 0 độ C. Người mắc cúm H1N1 có thể do những nguyên nhân sau đây:
–Hít phải khí có chứa dịch tiết của người bệnh: Khi người nhiễm bệnh sổ mũi, hắt hơi, trong tiết dịch đưa ra ngoài cơ thể họ luôn chưa một lượng virus cúm H1N1. Những người xung quanh vô tình hít phải hoặc tiếp xúc với chúng sẽ có khả năng nhiễm cúm nếu không có biện pháp phòng ngừa.
– Tiếp xúc với những đồ vật có chứa virus: Virus H1N1 có khả năng tồn tại trong môi trường bên ngoài rất lâu, có thể lên tới 2 ngày trên những vật dụng gia đình như tay nắm cửa, bàn, ghế, giường, tủ,… Một khi người chưa bị nhiễm bệnh chạm tay vào rồi lại đưa tay trực tiếp lên miệng, virus sẽ theo đường hô hấp xâm nhập vào phổi gây nên bệnh cúm H1N1 nguy hiểm.
– Tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh: Người bị nhiễm cúm H1N1 có khả năng lây bệnh cho những người xung quanh trong vòng 7 ngày từ khi có những triệu chứng của bệnh. Do đó, một người binh thường khi tiếp xúc trực tiếp với người bệnh qua giao tiếp, hôn hoặc quan hệ tình dục thì khả năng bị nhiễm virus cúm H1N1 là khó tránh khỏi. Đặc biệt là ở những nơi công cộng đông người như công viên, lễ hội, bể bơi thì sự lây lan của virus càng mạnh mẽ.
Triệu chứng H1N1
Các triệu chứng của cúm H1N1 cũng tương tự như các triệu chứng của cúm thông thường theo mùa:
– Đột nhiên sốt cao,
– Đau khắp người,
– Đau đầu,
– Mệt mỏi,
– Ho khan,
– Chảy nước mũi
– Đau họng.
Một số người mắc loại vi rút này cũng được báo cáo là cảm thấy buồn nôn, bị nôn và tiêu chảy nhưng đó không phải là những triệu chứng đặc trưng.
Ngoài các biểu hiện trên, một trong những yếu tố quan trọng nghi ngờ mình nhiễm vi rút H1N1 là từ vùng dịch trở về hay tiếp xúc với người mà sau đó được xác định là mang bệnh cúm A/H1N1.
Biến chứng của cúm:
Phát hiện sớm, phục hồi tốt:
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp – Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM cho biết, trường hợp bệnh nhân đầu tiên bị nhiễm cúm A(H1N1) tại Việt Nam có biểu hiện bệnh rất nhẹ, chỉ là sốt, hắt hơi, sổ mũi như cúm thông thường.
Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã xuất viện, sức khỏe hoàn toàn ổn định, không có biến chứng. Hay như trường hợp người mẹ 40 tuổi bị nhiễm cúm A(H1N1) được điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Bệnh nhân này hầu như không có triệu chứng gì là nhiễm cúm.
Theo TS Châu, các ca bệnh nhiễm cúm biểu hiện đều nhẹ, có thể là do được phát hiện, điều trị sớm. Về các ca nhiễm cúm A(H1N1) trên thế giới, TS Châu cho biết theo thông báo của WHO, đa số bệnh nhân mắc đều biểu hiện nhẹ, hồi phục tốt.
Tuy nhiên, cũng có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, thậm chí tử vong. Nếu ở những đối tượng có suy giảm miễn dịch hay có bệnh lý đồng thời thì bệnh có thể diễn tiến nặng hơn.
Bệnh cúm diễn tiến nặng rất nguy hiểm
Về tính chất độc lực của virút cúm A(H1N1), PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương khẳng định, loại virút này tính chất lây lan mạnh, có thể tấn công mọi đối tượng, lứa tuổi. Tuy nhiên, về độc lực, nó không mạnh như lúc đầu người ta tưởng. Mức độ tử vong được xác định là từ 0 – 4%.
Mức độ tử vong này phụ thuộc nhiều vào chẩn đoán và điều trị sớm, chăm sóc y tế tốt. Tỷ lệ tử vong này cũng tương đương với tỷ lệ tử vong của cúm theo mùa. Vì thế, cũng như bệnh cúm thông thường, nếu phát hiện, điều trị sớm khi bệnh chưa diễn tiến nặng thì cũng sẽ ít nguy hiểm đến tính mạng.
Cùng quan điểm này, ThS Nguyễn Hồng Hà, Phó Viện trưởng Viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới Quốc gia, người nhiễm virút cúm A(H1N1) có biểu hiện không khác gì với cúm thường. Với những người khỏe mạnh, sau vài ba ngày sẽ tự khỏi.
Tuy nhiên, với những người có cơ địa yếu, người già, trẻ suy dinh dưỡng, bệnh nhân tiểu đường sẽ bị nặng nhanh, gây biến chứng viêm phổi, trường hợp nặng có thể dẫn tới tử vong.
Điều trị bệnh cúm A (H1N1) như thế nào?
Hiện nay có hai loại thuốc dùng để điều trị vi rút cúm A nói chung là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza). Thuốc Tamiflu là thuốc uống còn Relenza là thuốc hít. Để có hiệu quả cần điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi có triệu chứng.
Làm thế nào để phòng chống dịch bệnh cúm A H1N1 ?
Để phòng chống cúm A(H1N1), Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo cần sử dụng các biện pháp đối với cúm mùa thông thường:
Rửa tay bằng xà phòng thường xuyên, tránh tối đa việc chùi tay lên mắt và mũi, che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi; không khạc nhổ bừa bãi; hàng ngày sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt; tránh tiếp xúc gần với người bệnh hoặc người nghi nhiễm cúm.
Ăn thức ăn đủ chất dinh dưỡng để ngăn ngừa nhiễm virus cúm.
Thường xuyên vệ sinh, lau sạch các bề mặt, vật dụng tiếp xúc hằng ngày, sàn nhà bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; mở cửa thoáng mát nơi ở, lớp học, phòng làm việc.
Bên cạnh đó, người dân có thể đi tiêm vắcxin để phòng bệnh.
Những trường hợp sốt cao, khó thở cần chủ động cách ly, đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám, tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.