Bệnh viêm đường hô hấp trên điển hình bằng các triệu chứng sốt, ho, hắt sơi, sổ mũi, khản giọng… nhưng hầu hết chúng ta đều dùng khái niệm cảm cúm để nói về căn bệnh này. Kiến thức hạn chế về bệnh khiến ít ai ngờ rằng viêm hô hấp trên hoàn toàn có thể gây tử vong.
Đường hô hấp trên gồm các bộ phận nào?
Đường hô hấp trên gồm có mũi, hầu, xoang và thanh quản.
Nhờ có sự kết hợp của cơ hoành, cơ bậc thang, răng trước, liên sườn trong và ngoài, không khí từ môi trường được đưa vào cơ thể qua mũi. Tại đây, lớp mao mạch dày đặc đóng vai trò làm ấm không khí, lông mũi và chất nhầy giữ lại các hạt bụi, sau đó không khí tiếp tục đi vào các cơ quan tiếp theo của hệ hô hấp.
Có thể nói đường hô hấp trên là tấm khiên bảo vệ cho đường hô hấp dưới (gồm khí quản, cây phế quản, phế nang và màng phổi). Do cũng là nơi tiếp xúc trực tiếp với các bụi bẩn, khí độc ngoài môi trường nên đường hô hấp trên rất dễ bị viêm.
Nhận biết viêm hô hấp trên ở người lớn
Bệnh viêm hô hấp trên ở mọi lứa tuổi đều có thời gian ủ bệnh rất ngắn, các triệu chứng xuất hiện nhanh, ồ ạt và khá dễ nhận biết.
– Đau họng, hắt hơi thường xuất hiện khi các triệu chứng khác chưa rõ ràng.
– Sốt cao kèm theo sổ mũi, ho, rát họng, rát mũi. Một số người kèm thêm triệu chứng co giật do sốt cao.
– Người bệnh bị lạc giọng, khàn tiếng, thanh quản bị sưng, viêm.
– Cơ thể mệt mỏi, nhức đầu, da dẻ xanh xao, hiệu quả công việc và học tập giảm sút.
Tiến triển và biến chứng
Khác với trẻ em, viêm đường hô hấp trên ở người lớn không quá nghiêm trọng. Tùy thuộc vào khả năng miễn dịch của từng người mà bệnh viêm hô hấp trên có thể chỉ làm phiền người bệnh vài ba ngày. Đối với những người có sức khỏe yếu, người già thì thời gian phát bệnh kéo dài hơn và có thể phải điều trị.
Tuy nhiên, viêm đường hô hấp trên kéo dài khi không được khắc phục sẽ làm tăng nguy cơ viêm đường hô hấp dưới. Biến chứng nặng nhất của tình trạng này là đồng nhiễm khiến người bệnh tử vong.
Một số trường hợp gặp biến chứng khác như viêm não, viêm cầu thận, viêm tim, thấp khớp cấp cũng không kém phần nghiêm trọng.
Nguyên nhân gây bệnh
– Nguyên nhân chủ yếu: Do virus, nấm, liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A, phế cầu khuẩn… Do đó, đây là bệnh hô hấp có khả năng lây nhiễm.
Khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi… các tác nhân gây bệnh cư trú ở chất nhầy niêm mạc mũi họng sẽ theo những hạt nước bọt nhỏ li ti bắn ra ngoài môi trường. Nếu gặp được cá thể lành bệnh, chúng sẽ nhanh chóng bám vào, sau đó xâm nhập vào tế bào niêm mạc và tiếp tục quá trình tấn công vật chủ.
Mặc dù tỉ lệ không cao, nhưng viêm đường hô hấp trên ở người lớn có thể gây tử vong
– Các yếu tố thuận lợi cho bệnh viêm hô hấp trên hình thành và phát triển:
- Người gầy yếu, tuổi cao có sức đề kháng kém dễ mắc bệnh hơn người bình thường.
- Người mắc các bệnh suy giảm miễn dịch: HIV/AIDS, đái tháo đường…
- Người vừa trải qua phẫu thuật hoặc điều trị bệnh kéo dài.
- Môi trường sống ẩm thấp, ô nhiễm, đông dân cư.
- Thời tiết mùa đông lạnh giá hoặc thời điểm giao mùa là điều kiện lý tưởng cho các tác nhân gây bệnh phát triển.
Định hướng điều trị viêm đường hô hấp trên
Một số trường hợp các triệu chứng chỉ kéo dài vài ngày rồi tự khỏi, đó là cơ chế miễn dịch của cơ thể tự loại bỏ tạm thời được tác nhân gây bệnh. Nhưng trong nhiều trường hợp khác, bệnh tiếp tục tiến triển nặng và ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người bệnh.
Trong điều trị viêm hô hấp trên ở người lớn, người ta chú trọng đến điều trị triệu chứng thay vì căn nguyên, bởi yếu tố gây ra bệnh là virus, vi khuẩn rất khó để tiêu diệt hoàn toàn.
– Điều trị không dùng thuốc
- Vệ sinh sạch sẽ mũi, họng bằng nước muối sinh lý.
- Nếu bị sốt, lau người bằng khăn ấm và thay quần áo thoáng mát.
- Uống nhiều nước, ăn đầy đủ dinh dưỡng để cải thiện sức khỏe.
- Dành nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn.
- Dọn dẹp môi trường sống thoáng mát, có nhiều ánh nắng để tiêu diệt môi trường sống của vi khuẩn.
– Điều trị dùng thuốc: Phải theo chỉ định của bác sĩ.
- Thuốc giảm đau, hạ sốt được dùng khá phổ biến.
- Thuốc kháng histamin, thuốc chống co giật nếu cần thiết.
Phòng ngừa bệnh như thế nào?
Viêm đường hô hấp trên có tính lây nhiễm cao, vì thế phòng ngừa bệnh là việc làm quan trọng để tránh bùng phát thành dịch trong cộng đồng. Trong một gia đình, nếu có người lớn bị bệnh thì cần phải cách ly để không lây bệnh sang cho trẻ nhỏ.
Chúng ta có thể phòng tránh bệnh bằng các biện pháp như sau:
– Sử dụng khẩu trang khi ra đường và tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc nghi mắc bệnh viêm đường hô hấp trên.
– Giữ ấm cơ thể khi trời lạnh, đặc biệt là phần cổ.
– Không để nhiệt độ điều hòa quá thấp, cũng không nên làm việc ở nhiệt độ quá cao.
– Không wax lông mũi, vì nó sẽ làm mất một lớp bảo vệ hệ hô hấp. Thay vì vậy, chỉ nên cắt tỉa để chúng trông gọn gàng hơn.
– Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn trước khi ăn uống.
Trong một số trường hợp, các triệu chứng giống như bệnh viêm đường hô hấp trên kéo dài nhiều tuần không dứt, người bệnh nên đi gặp bác sĩ vì rất có thể bệnh đã chuyển sang viêm cả đường hô hấp dưới hoặc bệnh lý nào đó nặng hơn.