CẨN TRỌNG VỚI CÁC BỆNH ĐƯỜNG HÔ HẤP PHỔ BIẾN CÓ THỂ TỬ VONG Ở TRẺ EM

Viêm não mô cầu

Vừa qua, theo báo cáo Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Hải Dương đã báo cáo về trường hợp bệnh nhân Đỗ Thị Xuyến (sinh năm 1998), trú tại phường Tứ Minh học sinh lớp 12, trường hợp đầu tiên  tử vong vì căn bệnh viêm não mô cầu trong đầu năm 2016. Hiện nay đã có 50 bệnh nhân hiện đang bị theo dõi do tiếp xúc bệnh nhân.

Viêm não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh xảy ra quanh năm và tăng cao vào mùa xuân do yếu tố thời tiết mưa, ẩm, lạnh dễ làm giảm sức đề kháng. Hiện nay thời tiết màu đông – xuân là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn phát triên. Bệnh có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, nguy cơ cao ở trẻ em và người già do sức đề kháng kém.

Vi khuẩn não mô cầu xâm nhập vào cơ thể sẽ gây viêm họng. Với những người cơ địa yếu, vi khuẩn tiếp tục lan vào máu đi khắp cơ thể gây nhiễm trùng huyết, viêm màng não. Trường hợp diễn tiến cấp tính, bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.

Bệnh xuất hiện đột ngột với triệu chứng sốt cao, đau đầu dữ dội, nôn, cứng gáy, mệt mỏi, có thể có đau họng, chấm hay mảng xuất huyết, ban xuất huyết hình sao hoặc có thể có mụn nước. Vi khuẩn não mô cầu gây nên các tổn thương ở não, làm mất khả năng nghe và khả năng học tập, nặng hơn là nhiễm trùng máu.

Viêm não mô cầu gây 2 bệnh lý chính là viêm màng não mủ và nhiễm trùng máu, đều nguy hiểm vì có thể gây sốc, tử vong nhanh chóng. Viêm màng não mô cầu là một trong những bệnh nhiễm khuẩn nguy hiểm vì nó rất dễ lây nhiễm và có thể khiến người bệnh tử vong trong vòng 24 giờ sau khi phát hiện triệu chứng.

Vì thế, để phòng bệnh, các chuyên gia khuyến cáo người dân nên chủ động tiêm văcxin phòng bệnh não mô cầu. Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường… Hạn chế tiếp xúc với người nghi bị viêm đường hô hấp, đặc biệt là trẻ em. Khi có các biểu hiện sốt, đau họng, cổ cứng, xuất hiện tử ban trên da (ban màu tím, thâm đen), nôn, đau đầu dữ dội… cần đến ngay cơ sở y tế để khám và điều trị.

Tiêu chảy cấp do virut Rota

 

Virus Rota lây truyền dễ dàng qua đường phân – miệng, tiếp xúc với bàn tay, bề mặt hay đồ vật bị nhiễm bẩn và có thể lây qua đường hô hấp.

Tiêu chảy cấp do virus Rota cướp đi sinh mạng của hơn 453.000 trẻ em trên thế giới mỗi năm.

Khi bị nhiễm virus Rota, trẻ sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội. Sau 24 đến 48 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng, toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày. Do tiêu chảy và nôn ói nhiều nên trẻ sẽ bị mất nước, cơ thể mất điện giải gây sốt và sốc có thể gây co giật nguy hiểm tính mạng.Vì thế, kể từ lúc mắc bệnh nếu trẻ không được cấp cứu kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Ngoài ra, do virus Rota khi xâm nhập đường tiêu hóa, phá hủy các lông mao nằm trên bề mặt làm bất hoạt chức năng hấp thu dẫn đến trẻ sau khi hết triệu chứng của tiêu chảy cấp sẽ khó hấp thu khi ăn uống nên dễ bị suy dinh dưỡng một thời gian làm ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ về sau.

Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy cấp, người dân cần thực hiện các biện pháp sau:

– Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống chín, không uống nước lã.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.

– Khi có dấu hiệu tiêu chảy cấp phải đưa ngay đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời.

 Ho gà

 

Ho gà bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp qua đường hô hấp có các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng bệnh nhân khi ho, hắt hơi. Bệnh có tính lây truyền rất cao nhất  đối với những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín lâu dài như hộ gia đình, trường học…

Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm long đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, thể hiện trẻ ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. Cuối cơn ho thường chảy nhiều đờm dãi trong suốt và sau đó nôn. Bệnh thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản-phổi, nhất ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.

Ho gà  tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp do vi khuẩn gây ra. Bệnh lây lan khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi gần người hít phải vi khuẩn. Với người lớn, ho gà có thể dẫn đến ho khó kiểm soát kéo dài. Với trẻ sơ sinh, bệnh có thể gây nguy hiểm khiến trẻ ngừng thở dẫn đến tử vong.

Trong năm 2015 đã có 2 trường hợp tử vong do bệnh ho gà. Phần lớn trẻ ho gà tử vong là do suy hô hấp, không đủ oxy. Ngoài ra, ho gà có thể gây các biến chứng viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu oxy não, biến chứng viêm não… nếu không được điều trị kịp thời trẻ có thể tử vong rất nhanh.

Phòng tránh các bệnh lây qua đường hô hấp

Bệnh đường hô hấp là một bệnh lây nhiễm, thường do các loại virus gây bệnh, những loại virus này tồn tại trong xung quanh môi trường sống của chúng ta. Vậy để có thể phòng tránh chúng ta cần:

–  Sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với những người mắc bệnh hoặc đeo khẩu trang khi ra đường, tới những khu vực đông người.

– Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh

– Khi thay đổi thời tiết, cần giữ ấm cho cơ thể. Vệ sinh không gian ở thường xuyên, tạo không gian thoáng mát, tránh ở những nơi có độ ẩm cao vì đây chính là điều kiện thuận lợi để cho mầm bệnh phát triển.

– Tăng cường đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể nhằm tăng cường sức đề kháng. Vận động, sinh hoạt, tập thể dục thể thao thường xuyên để ngăn ngừa nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp.

– Rửa tay sạch sẽ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, nên rửa tay bằng xà phòng để có thể loại bỏ virus, để virus không có cơ hội xâm nhập vào cơ thể.

 

Nếu bị nhiễm bệnh về đường hô hấp, người bệnh cần đi khám và điều trị triệt để nhằm ngăn ngừa nguy cơ bệnh nặng hơn, tiến triển thành mạn tính, gây biến chứng nguy hiểm ảnh hưởng tới sức khỏe

Theo afamily.vn