CÁC BỆNH VỀ ĐƯỜNG HÔ HẤP VÀ CÁCH PHÒNG CHỐNG

Phổi chính là cơ quan đầu não chính điều khiển và thực hiện các chức năng trao đổi khí trong cơ thể. Không chỉ cung cấp khí oxy cần thiết cho cơ thể, phổi còn giúp loại bỏ các khí carbonic, khí độc không tốt cho sức khỏe. Hầu hết, bất kể lứa tuổi nào đều cũng có nguy cơ mắc bệnh đường hô hấp. Vậy các bệnh về hô hấp và cách phòng chống như thế nào?

Các bệnh hô hấp thường gặp

Các bệnh hô hấp thường gặp bao gồm: viêm phế quản cấp, viêm phổi do các loại vi khuẩn, virus; hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, ung thư phổi, tràn dịch màng phổi, lao phổi. Các bệnh này chiếm khoảng 80% số các bệnh lý hô hấp, bên cạnh đó, còn nhiều bệnh hô hấp khác, tuy nhiên chỉ chiếm tỷ lệ ít hơn, như: giãn phế quản, viêm phổi kẽ, bụi phổi, các biểu hiện phổi trong các bệnh hệ thống, nội tiết, cơ xương khớp, thận…

Viêm phế quản cấp là bệnh rất thường gặp ở Việt Nam, hầu như bất cứ người nào cũng đều đã một hoặc nhiều lần bị viêm phế quản cấp, bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ dưới 3 tuổi hoặc người già, những người có bệnh mũi, xoang hoặc khuyết tật về phổi…


Triệu chứng của bệnh

Viêm phổi mắc phải ở cộng đồng cũng là một trong những nhiễm trùng hô hấp rất thường gặp, hàng năm tại Hoa Kỳ có từ 2-3 triệu bệnh nhân mắc viêm phổi nhập viện điều trị, tại Khoa hô hấp Bệnh viện Bạch Mai, khoảng 12% các bệnh nhân nhập viện điều trị vì viêm phổi. Hầu hết các bệnh nhân viêm phổi được chữa khỏi hoàn toàn, một số bệnh nhân có thể tiến triển thành áp xe phổi, hoặc tràn mủ màng phổi, một số ít bệnh nhân có thể tiến triển thành hội chứng suy hô hấp cấp tính, nhiễm khuẩn huyết và có thể tử vong.

Ngày càng có nhiều loại virus có khả năng gây nhiễm trùng đường hô hấp, với độc lực cao như virus cúm A H5N1… Viêm phổi do virus có thể lây lan nhanh thành dịch lớn như viêm phổi do virus SARS, virus cúm A H1N1…

Hầu hết các bệnh lý hô hấp đều có biểu hiện ho, khạc đờm, đau ngực hoặc khó thở, tùy theo từng bệnh lý cụ thể, mà các triệu chứng có thể có những biểu hiện, diễn biến khác nhau, chẳng hạn, bệnh nhân viêm phế quản cấp, viêm phổi thường có các triệu chứng diễn biến cấp tính, trong thời gian ngắn, với các triệu chứng như: sốt, ho, khạc đờm mủ… Hen phế quản thường hay gặp ở người trẻ tuổi, các biểu hiện ho, khó thở thường xuất hiện khi bệnh nhân tiếp xúc dị nguyên hoặc thay đổi thời tiết, trong cơn khó thở thường nghe thấy tiếng cò cử, tuy nhiên, ngoài cơn bệnh nhân lại hoàn toàn bình thường. Các bệnh nhân giãn phế quản thường có ho, khó thở xuất hiện nhiều năm, tuy nhiên, bệnh nhân thường có ho, khạc đờm nhiều, có thể có từng đợt ho máu…

Bên cạnh các triệu chứng bệnh lý tại đường hô hấp, nhiều bệnh nhân có bệnh lý hô hấp lại có biểu hiện toàn thân như sốt, gầy sút; biểu hiện ở các cơ quan, bộ phận khác, sau đó mới được phát hiện các bệnh hô hấp, chẳng hạn bệnh nhân ung thư phổi có thể có biểu hiện ban đầu là đau xương, khớp, ngón tay sưng to, hoặc đôi khi bệnh nhân đi khám vì đau đầu, liệt nửa người…

Ngoài việc khiến sức khỏe giảm sút, chất lượng cuộc sống của bản thân và người thân bị ảnh hưởng nghiêm trọng, việc điều trị các bệnh này vô cùng tốn kém và kéo dài. Do đó, khi bị viêm nhiễm đường hô hấp trên, cần điều trị sớm và triệt để tránh nhiễm trùng lan xuống phế quản phổi.

Để đảm bảo bệnh đã chữa khỏi, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân tái khám. Thế nhưng, mọi người thường không kiểm tra lại khi thấy bệnh đã giảm. Tuân thủ lịch tái khám là việc rất cần thiết để bảo vệ sức khỏe.

Cách phòng ngừa các bệnh về hô hấp

– Nâng cao sức đề kháng bằng cách tiêm phòng (chích ngừa) cúm hằng năm. Nhất là trẻ em và người trên 65 tuổi, những người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh tim, đái tháo đường, bệnh gan hoặc suy giảm miễn dịch. Có thể dùng một số thuốc tăng cường miễn dịch nhằm gia tăng sức đề kháng của niêm mạc đường thở.

– Ăn uống điều độ, đầy đủ chất dinh dưỡng.

– Vệ sinh răng miệng để tránh nhiễm trùng răng miệng. Nếu có các bệnh, các ổ nhiễm trùng răng miệng nên chữa trị tận gốc để ngăn ngừa vi khuẩn lan xuống đường hô hấp dưới. Răng miệng rất gần các cơ quan hô hấp.

– Tập thể dục thường xuyên.Việc luyện tập giúp cơ thể ấm lên, hoạt động giúp cơ thể tỏa nhiệt và nâng cao sức đề kháng.

– Không để cơ thể nhiễm lạnh đột ngột, nhiễm lạnh lâu.

– Giữ ấm đúng cách. Trong nhà, nên giữ nhiệt độ vừa phải. Tránh dùng các kiểu lò sưởi mà chất đốt cháy không hoàn toàn như dùng lò than trong phòng kín vì có thể gây ngộ độc khí CO2.

-Khi phát hiện cơ thể có những biểu hiện khác thường như: ho, sổ mũi, sốt, khó thở, đau ngực… phải tới gặp bác sĩ chuyên khoa hô hấp để xác định bệnh và điều trị kịp thời.

-Khi điều trị nên uống thuốc đúng thời gian được chỉ định để bảo đảm bệnh được trị triệt để.

-Loại bỏ những thói quen xấu có hại như: ngâm mình trong nước lạnh quá lâu, ăn mặc phong phanh khi ra đường, hút thuốc, uống rượu.

-Nên sử dụng khẩu trang khi tiếp xúc với người bệnh hoặc trong môi trường ô nhiễm.