CÚM A (H1N1)- BỆNH CỦA ĐƯỜNG HÔ HẤP CÓ THỂ GÂY TỬ VONG

Tổng quan về bệnh cúm H1N1

Virut cúm A(H1N1) là gì?

Tính đến ngày 12/5/2009, đã có hơn 30 quốc gia xác nhận có bệnh nhân nhiễm loại virut cúm này với số lượng là 5.251 người, trong đó có 61 trường hợp tử vong. Ban đầu người ta gọi virut mới này là virut cúm lợn vì các nhà khoa học tìm thấy nhiều gen của virut này giống với gen của loại virut cúm ở loài lợn.

Tuy nhiên, với những phân tích chi tiết hơn cho thấy loại virut này rất khác biệt với loại virut cúm lợn lưu hành ở khu vực Bắc Mỹ. Virut cúm A(H1N1) mới này là một loại lai có gen của 4 chủng virut gồm virut cúm người, cúm lợn, cúm gia cầm ở Bắc Mỹ và gen của cúm lợn ở châu Âu và châu Á.

Virut cúm A(H1N1) lây lan như thế nào?

Đây là loại virut có thể lây lan từ người sang người nhưng hiện nay chưa rõ mức độ của sự lây lan dễ dàng như thế nào. Sự lan truyền của virut cúm A(H1N1) mới này gần giống như sự lây lan của cúm mùa mà chúng ta thường thấy. Virut lan truyền từ người này sang người khác do ho hay hắt hơi, sổ mũi.

Đôi khi người ta mắc bệnh do tay bị vấy hay dính chất tiết có virut, sau đó đưa tay chạm lên miệng, mũi. Khi một người bị nhiễm virut cúm thì khoảng 7 ngày sau sẽ có triệu chứng. Một ngày trước khi có biểu hiện bệnh thì người bị nhiễm đã bắt đầu phát tán virut ra xung quanh cho đến 7 ngày sau đó.

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, có thời gian phát tán virut lâu hơn. Cúm A(H1N1) là bệnh lây chủ yếu qua đường hô hấp. Vì vậy mà ăn thịt lợn được nấu chín không bị mắc bệnh. Virut có thể tồn tại từ 2-8 giờ sau khi bám vào các bề mặt. Nước pha với chlorine 1-3 mg/L đủ khả năng diệt virut cúm, trong đó có cả virut cúm A(H1N1) mới.

Triệu chứng của bệnh cúm do vi rút A (H1N1) là gì?

Triệu chứng bệnh cúm A (H1N1) giống như cúm mùa bao gồm: sốt, đau cổ họng, hắt hơi, sổ mũi, đau nhức cơ. Khoảng gần 50% bệnh nhân còn có đau bụng, buồn nôn hay tiêu chảy. Giống như cúm mùa, cúm H1N1 mới cũng gây bệnh cảnh nặng hơn như viêm phổi khiến bệnh nhân ho nhiều, thở nhanh, khó thở, chụp Xquang cho thấy có tổn thương phổi. Một số bệnh nhân có triệu chứng của suy hô hấp cấp (ARDS), phù phổi và tử vong. So cúm A (H1N1) với cúm gia cầm A (H5N1) thì tỷ lệ tử vong của cúm gia cầm cao hơn (tỉ lệ tử vong khi nhiễm cúm gia cầm là trên 50%). Các triệu chứng hô hấp báo động bệnh trở nặng là: thở nhanh (người lớn trên 30 lần phút), có cảm giác hụt hơi, chóng mặt đột ngột, ngộp thở, tím môi hay đầu chi, lơ mơ.

Đã từng có những dịch cúm báo động từ virus cúm H1N1

Năm 2009, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát hiện ra một biến thể của virus cúm H1N1 có nguồn gốc từ lợn là nguyên nhân của đại dịch cúm năm 2009.

Theo nhiều nghiên cứu gần đây cho thấy, virus cúm H1N1 nguy hiểm hơn bệnh cúm thông thường rất nhiều. Những báo cáo của các nhà khoa học Nhật Bản cho thấy độc tính của H1N1 khác hẳn với những loại virus gây cúm theo mùa thường thấy. Nó có khả nãng xâm nhập sâu vào tế bào phổi, dẫn đến những biến chứng trầm trọng và có thể gây tử vong trong thời gian ngắn.

Virus cúm H1N1 với những biểu hiện của bệnh cúm và mức độ tàn phá hệ hô hấp của người mắc phải, các nhà nghiên cứu chỉ ra nó có nhiều điểm tương đồng với loại virus gây nên dịch cúm năm 1918. Trong năm này, vào thời điểm cuối của Chiến tranh thế giới thứ Nhất, hàng chục triệu người đã chết vì mắc phải một căn bệnh cúm mà thời bấy giờ không có phương pháp cứu chữa. Khả năng tấn công của virus cúm H1N1 vào phổi là vô cùng đáng sợ, tương tự như loại virus này.

Vào giữa năm 2009, dịch cúm H1N1 đã lan rộng ra trên 160 quốc gia trên toàn thế giới với hàng trăm nghìn người mắc phải và hơn một nghìn người tử vong.

Cúm H1N1 tại Việt Nam

Ngày 31/05/2009, Việt Nam phát hiện ca cúm H1N1 đầu tiên trong cả nước. Số trường hợp lây nhiễm tăng lên gần 800 ca chỉ sau hai tháng. Căn bệnh này lây lan ra gần 30 tỉnh của cả ba miền Bắc, Trung, Nam. Từ khi bệnh được phát hiện ở Việt Nam tới giờ đã có hàng nghìn người nhiễm và số lượng người tử vong lên tới hơn 50 người.

Điều trị bệnh cúm A (H1N1) như thế nào?

Hiện nay có hai loại thuốc dùng để điều trị vi rút cúm A nói chung là Oseltamivir (Tamiflu) và Zanamivir (Relenza). Thuốc Tamiflu là thuốc uống còn Relenza là thuốc hít. Để có hiệu quả cần điều trị sớm trong vòng 24 giờ đầu sau khi có triệu chứng.

Phòng bệnh cúm H1N1

Những người thuộc nhóm nguy cơ bệnh dễ trở nặng, người bệnh cúm có biểu hiện sốt cao, đau ngực nên đi khám, tư vấn bác sĩ sớm để được chỉ định nên cách ly tại nhà hay điều trị tại bệnh viện, được uống thuốc kháng virút sớm, nhất là trường hợp tại khu vực sinh sống, học tập, làm việc có bệnh nhân cúm A.

Mặc dù cúm là thể bệnh lành tính, nhưng có tỉ lệ tử vong đáng kể nên người mắc bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao không nên chủ quan, tự điều trị tại nhà và có khả năng khó trở tay khi bệnh tiến triển nặng. Các biện pháp phòng bệnh cúm đặc hiệu nhất hiện nay vẫn là dọn dẹp thông thoáng nhà cửa, vệ sinh cá nhân, vệ sinh đường mũi họng hằng ngày, rửa tay bằng xà phòng để hạn chế bị dây dính virút cúm từ các vật dụng công cộng như điện thoại, tay nắm cửa, tay vịn cầu thang…

Chủ động theo dõi sức khỏe hằng ngày để phát hiện triệu chứng cúm, nếu có biểu hiện bệnh thì chủ động cách ly và thông báo cho y tế địa phương để được tư vấn, xử lý, phòng tránh lây lan.

Ngoài ra, mỗi mọi người hãy tự bảo vệ bản thân bằng cách thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh như: thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh hô hấp cấp tính; khi tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế; tăng cường sức khỏe và khả năng phòng bệnh bằng cách sử dụng các dung dịch sát khuẩn đường mũi, họng, mắt, cũng như kết hợp chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý để tăng cường sức đề kháng của cơ thể…