SƯƠNG MÙ TP. HCM – Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG ĐANG CẦN ĐƯỢC BÁO ĐỘNG
Trong những ngày gần đây, bầu trời TP.HCM u ám, người đi đường lúc nào cũng nhìn thấy lớp sương mù. Theo các chuyên gia về môi trường, sở dĩ như vậy là do không khí TP.HCM đang bị ô nhiễm vì nhiều nguyên nhân.
Sương mù vì ô nhiễm
Hiện tượng đặc biệt này được nhiều người đi đường cảm thấy qua không khí đặc sệt màu trắng đục, nhiều người ở nhà chung cư cao tầng càng dễ dàng quan sát hiện tượng trên. Ở khu vực trung tâm, các tòa nhà cao tầng gần như bị sương mù bao phủ.
Giải thích về hiện tượng trên, chuyên gia khí tượng thủy văn – thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, nói: Không chỉ TP.HCM mà mấy năm gần đây ở các tỉnh Đông Nam bộ và Tây Nam bộ cũng thường xuyên xuất hiện hiện tượng trên.
Đây là hiện tượng sương mù hỗn hợp và nguyên nhân quan trọng là do ô nhiễm không khí tăng cao. Nếu chỉ là sương mù bức xạ, nó sẽ tan khi nắng lên. Còn hiện tượng sương mù hỗn hợp kéo dài đến xế chiều thậm chí cả ngày. Nguyên nhân, do các hạt bụi mịn trong không khí mà mắt thường không nhìn thấy được. Các hạt bụi này chính là hạt nhân liên kết khi gặp độ ẩm không khí cao 85 – 90% kết hợp với nhiệt độ thấp vào ban đêm tạo ra hiện tượng sương mù hỗn hợp. Đây chính là một biểu hiện của hiện tượng ô nhiễm không khí.
Tăng bệnh hen, phổi
Các chuyên gia cho rằng, chất lượng không khí đo tại Lãnh sự quán Mỹ chỉ thể hiện chất lượng không khí quanh khu vực đó. Ở trung tâm quận 1, có khá nhiều cây xanh nên chất lượng không khí tương đối tốt và chưa phải là điểm nóng về ô nhiễm không khí như: khu vực cảng Cát Lái, ngã tư An Sương, ngã sáu Gò Vấp…
Anh Q.An ở quận 2 cho biết gia đình tự trang bị một chiếc máy đo thường xuyên theo dõi nhằm có biện pháp ứng phó, khi nào chất lượng không khí trong nhà không tốt sẽ bật máy lọc không khí, không khí ngoài trời ô nhiễm mà có việc phải ra đường thì đeo khẩu trang. Trong khoảng một tháng qua, anh Q.An thường xuyên ghi nhận máy đo phát tín hiệu cảnh báo nguy hiểm màu cam và đỏ.
Các nghiên cứu y tế chỉ ra rằng ô nhiễm không khí là một trong các nguyên nhân gia tăng tỷ lệ bệnh hen, phổi tắc nghẽn mạn tính, nhiễm trùng hô hấp, rối loạn hô hấp trong giấc ngủ, trẻ em có chức năng hô hấp kém… ung thư phổi và làm giảm tuổi thọ.
Một số nghiên cứu thực nghiệm trên động vật cho thấy có trên 500 thành phần hóa học trong khí thải có thể gây đột biến gien. Trong khi đó, các nghiên cứu kinh tế cũng chỉ ra rằng ô nhiễm là nguyên nhân gián tiếp gây tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế.
Giải pháp phòng chống sương mù hỗn hợp nơi bạn sống
Môi trường không khí luôn trong tình trạng sương mù hỗn hợp khiến sức khỏe người dân suy giảm, gây ra một loạt các bệnh như hen suyễn, viêm phổi, ung thư, suy nhược thần kinh, giảm tuổi thọ… Những nhóm nhạy cảm nhất với ô nhiễm không khí bao gồm người già, phụ nữ mang thai, người đang có bệnh, trẻ dưới 15 tuổi, đối tượng thường xuyên làm việc ngoài trời.
Mức độ ảnh hưởng đến sức khỏe của ô nhiễm không khí tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe, thời gian tiếp xúc với chất gây ô nhiễm, loại chất gây ô nhiễm… Số liệu thống kê của Bộ Y tế cho thấy, số người mắc bệnh đường hô hấp – chủ yếu do ô nhiễm không khí chiếm 3-4% tổng dân số. 74,5% người mắc bệnh bụi phổi là công nhân ngành mỏ, xây dựng, cơ khí, luyện kim bởi tính chất thường xuyên tiếp xúc với khói bụi.
Để phòng tránh nguy cơ mắc bệnh từ sương mù quang hóa, bạn cần:
– Luôn đeo khẩu trang bảo vệ khi đi ra bên ngoài. Chú ý chọn khẩu trang y tế 3 lớp hoặc 4 lớp than hoạt tính, ở trong có lớp vải lọc có thể giúp lọc được 95% khói bụi trong không khí.
– Không tập thể dục ở khu vực bị ô nhiễm không khí nặng, đặc biệt là các hoạt động đòi hỏi tính vận động cao như đạp xe, chạy bộ.
– Nếu xuất hiện những triệu chứng khó thở, ho, đau mắt, ngứa họng thì bạn cần đi khám bác sĩ ngay. Đặc biệt trẻ em và người cao tuổi xuất hiện những hiện tượng này kéo dài rất có thể đã bị hen hoặc các bệnh hô hấp mãn tính.
– Ăn nhiều thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như rau, trái cây để bảo vệ cơ thể tránh sự hình thành các gốc tự do từ không khí ô nhiễm.
– Thời điểm ô nhiễm không khí ở mức cao nhất là vào trời nóng, do đó bạn cần hạn chế đi ra ngoài vào thời điểm này. Nên chuyển các hoạt động ngoài trời vào sáng sớm hoặc chiều tà.
– Nếu phải đỗ xe ô tô trên đường hãy sử dụng điều hòa để lấy khí trong, thay vì mở cửa để khí bên ngoài lọt vào, sẽ giúp hạn chế ô nhiễm không khí trong xe.
– Nếu đang ở khu vực không có sẵn các phương tiện để ngăn chặn ô nhiễm không khí thì bạn có thể sử dụng khăn che miệng và mũi để lọc bớt phần khí độc hại mà mình hít phải.
– Trồng thêm nhiều cây xanh xung quanh nhà ở, trên đường đi sẽ giúp làm sạch không khí, lọc sạch khí bụi.
Theo doisongphapluat.com